Phụ huynh góp củi, góp công với trường để nuôi dạy trẻ

Thứ năm - 11/04/2019 21:50
Dân trí: Ở huyện miền núi Nam Trà My, nhiều điểm trường mẫu giáo nằm xa trung tâm xã, xa khu dân cư nên nhiều phụ huynh đưa con đến trường và ở lại chăm sóc cả tuần. Cứ thế, các phụ huynh thay phiên nhau chăm sóc cho con cháu của mình.
Phụ huynh góp củi, góp công với trường để nuôi dạy trẻ
        Từ trung tâm huyện Nam Trà My - Quảng Nam, mất gần 1 giờ đi xe máy chúng tôi mới đến được điểm trường Man Dí thuộc trường thuộc trường mẫu giáo Trà Nam, xã Trà Nam. Trường nằm trên đỉnh đồi, bên cạnh tuyến đường lên vùng sâm Ngọc Linh. Đây là một điểm trường được coi là gần trung tâm xã nhất.
         Điểm trường này có 40 em học sinh mẫu giáo người đồng bào Xê-đăng do cô Dương Thị Hồng Vy phụ trách. Cô Vy cho biết, các em ở đây được nhà nước chu cấp mỗi tháng 120 ngàn đồng, trong đó mỗi tháng cô trích ra 50 ngàn đồng để lo ăn uống cho các em. Cuối năm, nếu số tiền nhà nước cấp còn dư, trường sẽ trả lại cho phụ huynh.

           Với số tiền 50 ngàn đồng thì sẽ không đủ để các em ăn uống trong tháng nên cô Vy kêu gọi thêm các mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Tổng cộng, chi phí ăn uống mỗi tháng cho 40 em học sinh này khoảng trên dưới 4 triệu đồng đều được cô huy động từ các nhà hảo tâm.
Điểm trường này chỉ có một mình cô Vy phụ trách nên rất vất vả. Thấy được điều này nên các phụ huynh có con em đang học tại đây thay phiên nhau ra lớp phụ giúp các cô. Mỗi tuần, ở lớp có từ 5-7 phụ huynh tự nguyện ở lại nấu ăn cho chừng đó học sinh. Đến tuần khác thì có phụ huynh khác thay phiên. Cứ thế, đã hai năm nay lớp học được duy trì nhờ vào sự giúp đỡ này.
        Cô Vy cho hay, khi các phụ huynh đưa con ra lớp, họ mang theo củi để góp với nhà trường nấu nướng cho các em. Nhiều phụ huynh cách điểm trường 3-4 tiếng đi bộ thì ở lại với con cả tuần lo cho con mình và con của những phụ huynh khác, cuối tuần mới dẫn con về. Do đó, điểm trường này lúc nào cũng có phụ huynh chăm sóc các em.

        Gạo, mắm, muối… đã được các cô mua sẵn; hàng ngày, cứ đến bữa các phụ huynh tự động nấu cho các em tùy theo số học sinh đi học thực tế ngày đó. Sau khi nấu cơm cho các cháu, các phụ huynh tổ chức nấu ăn cho mình với lương thực tự mang ở nhà đến.

       “Có nhiều phụ huynh cứ sáng thứ 2 dẫn con lên và chiều thứ 6 dẫn con về; đồng thời chăm sóc cho những em học sinh của phụ huynh khác một cách tự nguyện nguyên cả tuần. Còn họ có trả công không thì tôi không biết”, cô Vy chia sẻ.
       Ở điểm trường này tuy gần trung tâm xã nhưng có khi quá xa với nhiều gia đình. Có gia đình phải đi bộ nửa ngày đường mới đến trường nên học sinh đi học cũng không đều. Theo cô Vy cho biết, trời nắng thì các em đi học đều hơn, còn trời mưa thì vắng nhiều em vì miền núi, vào mùa mưa đường sá rất khó đi, người dân lại ở xa điểm trường.

       Mặc khác, vào mùa nắng thì các em học sinh đi học đỡ vất vả hơn, còn mùa mưa thì hầu hết các em phải ở lại trường. Nếu ở lại, các em đã có phụ huynh tự nguyện nấu ăn và chăm sóc. Ở điểm trường này, ngoài phòng học sinh còn có hai gian nhà bên cạnh, có giường chiếu đầy đủ, các cháu ở lại cũng có chỗ ăn, ngủ.
      Trao đổi với PV Dân trí, cô Lê Thị Hồng Thanh – Hiệu trưởng trường mẫu giáo Trà Nam – cho biết, toàn trường có gần 200 em học sinh, có 7 điểm trường và 8 lớp. Do địa bàn là xã vùng cao, con em là đồng bào Xê-đăng nên nhà trường tổ chức bán trú cho toàn bộ các em.

      “Do ở miền núi khó khăn, gia đình các em ăn uống thiếu thốn, có khi ăn rau ăn muối. Buổi trưa về nhà thì bố mẹ các em đi rẫy, có khi các em về nhà cầm nắm cơm nguội ăn nên trường cố gắng tổ chức bán trú hết để các em ở lại”, cô Thanh cho biết.
     Theo đó, toàn bộ 7 điểm trường mẫu giáo của xã Trà Nam đều tổ chức bán trú cho các em và có sự trợ giúp của phụ huynh học sinh; nhờ đó các em ra trường thường xuyên. Mô hình này được trường tổ chức được hai năm nay.
     Nói về mô hình bán trú dân nuôi này, ông Võ Đăng Thuận – Trưởng Phòng giáo dục Nam Trà My – cho biết, trường mẫu giáo Trà Nam làm rất hiệu quả và là điển hình của huyện. Huyện sẽ tổ chức nhân rộng mô hình này đến các xã khác trong thời gian đến.
Công Bính

 
 
 

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm điều gì khi đưa con đến trường?

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay437
  • Tháng hiện tại2,883
  • Tổng lượt truy cập476,153
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ
TRƯỜNG MẦM NON NOONG BUA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây